CÁCH BẢO QUẢN THỰC PHẨM MÙA HÈ
Mùa hè thực phẩm rất dễ bị nhiễm các loại vi khuẩn không có lợi nếu bạn không biết cách bảo quản tốt. Học cách bảo quản thực phẩm giúp là cách phòng tránh ngộ độc thực phẩm tốt nhất.
Thực phẩm sau khi mua về cần được làm sạch và bảo quản đúng cách. Bảo quản thực phẩm trong tủ lạnh là cách phổ biến nhất mà các gia đình thường làm. Ngoài ra, chúng ta cũng cần chọn thời điểm mua thực phẩm và chế biến thực phẩm sao cho thời gian bảo quản ngắn nhất.
1. Thực phẩm tươi sống
Đối với thịt, cá tươi sống, sau khi rửa sạch, có thể ướp gia vị trước, chia nhỏ thành từng phần vừa ăn và cho vào hộp đậy kín hoặc túi nilon buộc kín trước khi cho vào ngăn đá của tủ lạnh để bảo quản… Các thức ăn đã được đông lạnh, trước khi dùng khoảng 4 – 5 giờ đồng hồ nên để xuống ngăn mát để rã đông.
Đối với các loại hải sản như tôm, cua, sò, ốc… chỉ nên chọn loại còn sống, được chế biến ngay sau khi mua về từ 3-5 giờ đồng hồ và dùng trong ngày.
2. Rau củ, trái cây
Để nơi mát mẻ có thể bảo quản từ 2-3 ngày tùy loại, hoặc cho vào ngăn mát tủ lạnh, bảo quản được từ 5-7 ngày.
Rau củ, trái cây tươi nên được bảo quản ở ngăn mát của tủ lạnh, có thể bảo quản vài ngày hay cả tuần tùy loại. Nếu muốn bảo quản rau củ, trái cây tươi lâu thì sau khi loại bỏ quả dập, lá sâu, lá dập, rễ, cần giữ rau khô ráo và cho vào bao xốp, buộc kín lại rồi cho vào ngăn mát của tủ lạnh.
3. Thức ăn đã nấu chín
Thức ăn đã nấu chín thì phải để nguội hẳn, đậy kín rồi mới cho vào tủ lạnh. Cần bảo quản thức ăn sống và thức ăn đã nấu chín vào những hộp riêng biệt, tuyệt đối tránh bảo quản hai loại thực phẩm này chung với nhau mà chưa được đậy kín. Việc bảo quản thức ăn kín sẽ giúp thức ăn không bị khô, bốc mùi và nhiễm các vi sinh vật.
Nếu thời tiết mát mẻ, các loại thức ăn đã qua chế biến có thể để được từ 4-6 giờ, nhưng vào mùa nóng thì sẽ dễ ôi thiu nếu không bảo quản tốt. Với cơm, tốt nhất vẫn là nấu bữa nào dùng hết bữa nấy. Tuy nhiên, khi phải để lại, cần chú ý không để các loại món ăn khác dính vào phần cơm. Cơm dùng xong để chỗ thoáng mát, đậy bằng rổ thưa hoặc cho vào tủ lạnh, ngăn mát.
Những món tái nên hạn chế trong thực đơn ngày nóng. Không sử dụng chung đĩa và chung thớt để đựng hoặc chế biến thực phẩm tươi sống hoặc đã nấu chín.
Với các loại thức ăn đã nấu chín, nếu dùng không hết mà muốn để lại thì cách bảo quản tốt nhất là nấu sôi trở lại. Sau đó mở nắp, làm nguội nhanh và cho vào hộp cất vào tủ đông. Khi dùng lại các loại thực phẩm này, nên nấu sôi lại lần nữa để tiêu diệt vi khuẩn đã thâm nhập và tồn tại trong thức ăn và không tiếp tục lưu trữ lại lần thứ hai. Không lạm dùng lò vi ba để hâm nóng thức ăn đã qua sử dụng, tránh việc mất nhiều chất dinh dưỡng và tạo các chất có hại cho sức khỏe trong thức ăn.
4. Thực phẩm đông lạnh
Khi mua thực phẩm đông lạnh, xem kỹ hạn sử dụng và hướng dẫn bảo quản của sản phẩm để lưu trữ hợp lí: Thực phẩm trữ mát: thịt nguội, giò chả… trữ đông từ 0-5 độ C. Thực phẩm đông lạnh: chả giò, thủy hải sản… trữ đông từ -25 độ-18 độ C.
5. Bảo quản trong tủ lạnh
Khi mua về, bạn nên phân loại các loại và nên để riêng các loại thực phẩm tươi sống. Thức ăn đã nấu chín chờ đến lúc nguội mới đưa vào tủ lạnh ở ngăn riêng cách ly với ngăn để thực phẩm tươi sống. Thực phẩm tươi sống như thủy sản, thịt cũng như các loại phủ tạng động vật nên rửa sạch máu, chất thải bẩn và để trong hộp kín.
Nhiệt độ thích hợp và lý tưởng để bảo quản thực phẩm trong tủ lạnh là: thực phẩm thông thường 8oC, sữa 4oC, thịt tươi 3oC, kem lạnh -18oC, thịt ướp đá -18oC, cá ướp đá -20oC.
– Đối với thức ăn đã chín, chỉ có thể bảo quản từ 1-2 ngày
– Trước khi cho vào tủ lạnh bảo quản, bọc thực phẩm lại bằng bao ni lông kín để tránh lây nhiễm, đồng thời hạn chế được mùi trong tủ lạnh.
– Thức ăn chín muốn để dành phải đưa ngay vào tủ lạnh chậm nhất là 4 giờ sau khi xào nấu xong. Khi cần lấy ra khỏi tủ lạnh phải ăn ngay không để quá 4 giờ.
– Những thức ăn sống như thịt, cá… muốn để dành lâu phải cất vào tủ lạnh, không được để chậm quá 4 giờ. Khi lấy ra khỏi tủ lạnh phải chế biến ngay.
– Không chứa quá nhiều hoặc mở tủ lạnh thường xuyên: Một tủ lạnh quá đầy đồ ăn sẽ khiến các khối không khí khó lưu thong, làm chậm quá trình làm mát.
– Khi rã đông, cách tốt nhất là để thực phẩm trong ngăn mát của tủ lạnh cho rã đông dần dần.
– Thực phẩm đã rã đông phải dùng ngay không nên cất để dùng tiếp vì dễ dẫn đến ngộ độc.
Nếu để quá nhiều đồ ăn trong tủ lạnh thì cần điều chỉnh tăng độ lạnh vì nếu không đủ độ lạnh, thức ăn sẽ mau hư.
(ST)