CÁCH CHUẨN BỊ CHO BÉ VÀO LỚP 1 TỰ TIN
1. Chuẩn bị về mặt tâm lý
Nhiều trẻ lúc mới bắt đầu tới môi trường lạ sẽ bỡ ngỡ, sợ hãi, bám bố mẹ… Các bậc phụ huynh cần hỗ trợ các con sẵn sàng hòa nhập với môi trường học tập mới bằng cách giúp các con làm quen dần dần thông qua việc là quen với dụng cụ học tập, sách vở, bút giấy, tham quan trường tiểu học, giao lưu với anh chị lớp 1… tránh gây áp lực cho con. Gần gũi, trò chuyện để trẻ mạnh dạn hơn
2. Rèn luyện sự tự tin và tự lập cho con
Khác với môi trường quen thuộc và được chăm sóc ở lớp mẫu giáo, lên lớp 1 các con sẽ gặp gỡ bạn bè thầy cô giáo mới, phải tự lập trong một số hoạt động cá nhân. Hình thành cho trẻ thói quen tự phục vụ, tự mang giày dép, thay và xếp quần áo gọn gàng. Hình thành các kỹ năng đồng thời phát triển các tố chất mạnh, bền, khéo léo, và một thể lực giúp trí tuệ phát triển tốt. Trước khi trẻ tham gia các hoạt động phải cho trẻ thảo luận, phân công thực hiện. Tạo điều kiện cho trẻ có khả năng hợp tác, biết chia sẻ để hình thành tính tập thể, phát triển ngôn ngữ . Các phụ huynh cần giúp các con rèn luyện dần các kỹ năng này để tránh các con cảm thấy xấu hổ với bạn khi chưa làm được, gây tâm lý sợ hãi.
3. Xây dựng hứng thú với việc học và giúp con làm quen dần với kiến thức
: Từ mầm non chuyển sang lớp 1 các con có thể bị sốc hoặc mất tập trung, thâm chí sợ hãi nếu bị ép buộc phải ngồi học quá lâu. Luyện cho trẻ khả năng chú ý có chủ định, mở rộng vốn hiểu biết cho trẻ để hình thành 4 kỹ năng: Nghe, Nói, Đọc, Viết. Cho trẻ nghe , đọc truyện, được kể lại truyện, kể sáng tạo, kể theo mô hình, đóng kịch… vừa phát triển ngôn ngữ mạch lạc, vừa phát triển trí tưởng tượng phong phú. Quan trọng nhất vẫn là khơi dậy được đam mê, hứng thú cho bé.
4. Xây dựng khả năng tập trung, tự giác cho con
Giai đoạn này là giai đoạn đòi hỏi sự cố gắng của cả các thầy cô và gia đình. Khi muốn con tập trung vào một vấn đề gì, các bậc phụ huynh cần thể hiện dưới hình thức chơi mà học, học mà chơi. Ở trường tiểu học trẻ phải tập trung hơn ở mẫu giáp, không chỉ phải biết ăn ngủ như trước đó mà còn phải biết học hành. Áp lực học tập, tuân thủ kỷ luật ở trường tiểu học có thể khiến nhiều bé có tâm lý sợ đi học.
Bạn nên xây dựng thói quen học tập tự giác cho bé. Bố mẹ có thể hướng dẫn nhưng không tạo cho con thói quen cứ học là có bố mẹ ngồi bên. Trẻ cần có một không gian riêng. Cho bé tự đề ra thời gian biểu học tập. Buổi tối, mẹ cần dành thời gian hướng dẫn trẻ tự gọt bút chì, sắp xếp sách vở đồ dùng học tập cho ngày mai.
Từng bước xây dựng thói quen tự giác cho bé sẽ làm bé cảm thấy tự tin hơn và chủ động trong mọi lúc, kể cả khi ở trên lớp. Mẹ giúp trẻ chọn lựa sách, đọc sách cho trẻ nghe để giúp trẻ diễn đạt điều mình muốn nói một cách rõ ràng mạch lạc.
5. Chuẩn bị tốt về thể chất cho con
Cho trẻ uống vitamin, quan tâm hơn đến chế độ ăn uống của bé đồng thời hãy cùng trẻ làm quen với chế độ sinh hoạt mới, cho trẻ đi ngủ sớm để đảm bảo sức khỏe cho bé. Ngoài ra cần chuẩn bị đồ dùng học tập cho con.
6. Giúp trẻ biết ứng xử phù hợp với những tình huống ở trường
Cha mẹ hãy cùng con chơi trò “Nhỡ…thì” bằng cách tưởng tượng những khó khăn có thể xảy ra. “Nhỡ bạn đánh con ở trường thì con làm gì?”, “Nhỡ đang học con muốn đi vệ sinh thì con nói gì với cô giáo?”…Thông qua những tình huống đó, cha mẹ đã giúp trẻ chuẩn bị về mặt tâm lí để đối mặt với những tình huống có thể làm bé lúng túng ở trường.