Hiện nay chỉ cần có máy xay sinh tố là bạn có thể làm sữa đậu nành tại nhà để thưởng thức. Có nhiều cách làm sữa đậu nành đơn giản nhưng cách làm sữa đậu thật mịn, hương vị thơm ngon thì không phải ai cũng biết. Hãy cùng tham khảo cách làm sữa đậu nành sau nhé!
Hướng dẫn cách làm sữa đậu nành ngon, bổ dưỡng
Nguyên liệu chuẩn bị:
- 300g đậu nành khô
- 50g lạc (đậu phộng) rang
- 4 lít nước
- 1 bó lá dứaMột số lưu ý khi giảm cân với đậu nành.
Cách làm:
1. Chuẩn bị:
– Đậu nành khô nhặt bỏ hạt sâu, mọt, cho vào nước lạnh. Ngâm đậu trong khoảng 8 giờ.
– Vo lại cho sạch, xả nước thật kỹ cho đến khi nước trong. Vớt đậu ra để ráo.
2. Xay đậu:
– Cho đậu vào máy xay, vừa xay vừa cho nước vào từ từ.
– Khi đậu nhuyễn, cho tất cả vào túi vải, vắt kỹ để lấy phần nước đậu.
– Có thể xay thêm lần nữa để vắt hết nước sữa đậu.
3. Nấu sữa:
– Cho nước sữa đậu vào nồi. Lá dứa rửa sạch, cột thành bó, cho chung vào nồi nước sữa đậu.
– Nấu sữa cho sôi khoảng 10 phút, vừa nấu vừa khuấy đáy nồi để không bị khét. Chú ý không để sữa sôi mạnh dễ bị trào.
Sữa đậu nành nấu xong có thể dùng nóng hoặc để nguội, cho vào tủ lạnh, dùng chung với đường (hoặc không) đường tùy thích.
Cần lưu ý chế biến xong chỉ dùng trong ngày, vì đây là loại thức uống dễ bị hỏng. Nếu muốn để lại, cần phải trữ lạnh đúng cách, để sữa giữ được chất lượng và hương vị ban đầu. Độ lạnh cần thiết là từ 3 đến 5ºC.
Ngoài ra, tuy đây là loại thức uống có lợi cho sức khỏe nhưng cũng không nên dùng quá ½ lít sữa đậu nành mỗi ngày. Khi nấu cần để sữa sôi kỹ, nếu không có thể gây cồn cào, buồn nôn hoặc đau bụng, tiêu chảy.
Mời bạn tham khảo thêm:
Lợi ích của đậu nành đối với sức khỏe
Mặc dù nhiều khía cạnh có ích cho sức khỏe của đậu nành hiện tại chưa được nghiên cứu, nhưng các nhà khoa học đang tập trung nghiên cứu lợi ích của đậu nành lên các bệnh mãn tính ở phụ nữ. Những nghiên cứu này chủ yếu tập trung vào việc tìm những chất trong đậu nành có ảnh hưởng tốt lên các bệnh lý tim mạch, một số loại ung thư, loãng xương, các triệu chứng của phụ nữ trong thời kỳ mãn kinh.
Bệnh tim mạch
Bệnh tim mạch vẫn là nguyên nhân gây tử vong hàng đầu ở Hoa Kỳ, chiếm 40% số tử vong ở phụ nữ mọi lứa tuổi; và trên 45% tử vong ở phụ nữ trên 65 tuổi.
Người ta cũng nhận thấy thói quen sống của người Tây phương khác với người Đông phương, ví dụ như: Đậu nành là thức ăn quen thuộc của người Nhật Bản, nhưng lại ít được dùng ở người Tây phương. Các nhà nghiên cứu đã bắt đầu nghiên cứu về những tác động của các chất trong đậu nành có thể làm giảm thiểu nguy cơ mắc bệnh tim mạch.
Đậu nành và cholesterol
Một trong những lãnh vực được nghiên cứu nhiều nhất là ảnh hưởng của đậu nành lên mức cholesterol trong máu. Tại sao phải lo lắng về cholesterol trong máu? Cholesterol có nhiều loại (cholesterol tốt, cholesterol xấu…) Trong đó cholesterol xấu nếu tăng cao sẽ có nguy cơ gây bệnh tim mạch, nó làm tăng quá trình xơ vữa động mạch. Cholesterol xấu gây nguy hại cho cơ thể thông qua quá trình hóa học gọi là oxy hóa. Đây cũng là lý do có nhiều nghiên cứu quan tâm đến các chất chống oxy hóa để ngăn ngừa hoặc làm giảm quá trình oxy hóa đó. Ngoài ra, có loại cholesterol tốt, làm ngăn ngừa quá trình xơ vữa mạch máu, làm giảm nguy cơ bệnh tim mạch.
Hầu hết những nghiên cứu về đậu nành đều tập trung vào tác dụng giảm mức cholesterol trong máu, hoặc vai trò như một chất chống oxy hóa của nó. Những kết quả nghiên cứu này đã báo cho thấy nếu dùng protein đậu nành thay thế cho protein động vật thì sẽ làm giảm được cholesterol xấu trong máu..
Nhiều quan tâm nghiên cứu hiện nay tập trung vào những hợp chất tự nhiên Isoflavone trong đậu nành (gồm genistein, daidzein, và glucitein). Họ thấy rằng nếu dùng đậu nành còn nguyên Isoflavone tự nhiên thì khả năng làm giảm cholesterol xấu trong máu cao hơn là dùng đậu nành đã bị lấy đi chất Isoflavone. Tuy nhiên một nghiên cứu mới đây (Nestel 1997) đã cho các phụ nữ mãn kinh dùng viên thuốc Isoflavone nguyên chất thì lại không làm hạ được cholesterol trong máu. Điều này đặt ra vấn đề là có thể có một chất nào đó đi kèm với Isoflavone trong đậu nành nên mới làm cho Isoflavone trong đậu nành có tác dụng như vậy.
Đậu nành có tác dụng như một chất chống oxy hóa không?
Genistein, một Isoflavone có nhiều nhất trong đậu nành đã cho thấy có tác động như một chất chống oxy hóa, giúp ức chế một số bước trong quá trình khởi phát và tạo thành mảng xơ vữa động mạch. Sự phát triển mảng xơ vữa phụ thuộc vào sự phát triển nhanh của các tế bào cơ trơn thành động mạch, Isoflavone, đặc biệt là genistein có tác động ức chế quá trình này, đây là quá trình cơ bản trong sự xơ hóa vữa mạch máu.
Isoflavones và đáp ứng của động mạch
Động mạch bình thường sẽ giãn nở dưới tác động của Acetylcholin. Tuy nhiên những động mạch bị xơ vữa thì sẽ bị tác động ngược lại (co lại) dưới tác động của Acetylcholin. Những nhà nghiên cứu đã cho khỉ cái bị xơ vữa động mạch, được nuôi dưỡng bằng chế độ protein đậu nành có Isoflavone, sau đó họ thấy rằng động mạch bị xơ vữa của khỉ cái nay lại giãn nở ra dưới tác động của Acetylcholin. Như vậy sự hoạt động của động mạch bị xơ vữa lại đi theo chiều hướng của sinh lý bình thường. Tuy nhiên sự thay đổi tốt này chỉ thấy rõ ở khỉ cái, mà không thấy rõ ràng ở khỉ đực. Có lẽ vì vậy mà các nhà nghiên cứu chỉ đưa ra tiêu đề "Đậu nành và sức khỏe phụ nữ".
Để kết luận, dù còn nhiều điều chưa biết rõ về đậu nành, nhưng các nhà nghiên cứu khuyên nếu không dị ứng với đậu nành, thì nên dùng mỗi ngày tối thiểu 25g protein đậu nành (chứa Isoflavone tự nhiên) là một trong những cách hạ thấp nguy cơ bệnh tim mạch.
Đậu nành có tác dụng chống ung thư?
Nhiều cuộc nghiên cứu trong phòng thí nghiệm và trên động vật cho thấy Genistein trong đậu nành có thể có tác dụng như một chất chống oxy hóa, làm giảm nguy cơ ung thư bằng cách giảm sự tổn thương tế bào và chất ức chế Protease Bowman-Birk trong Protein đậu nành cũng có thể ức chế sự khởi phát ung thư. Chất Daidzein trong Protein đậu nành, nếu được sử dụng với liều cao sẽ có tác dụng kích thích hệ thống miễn dịch, để phá hủy những chất có hại cho cơ thể, do đó có tác động lên việc giảm nguy cơ bị ung thư.
Tác động lên việc đáp ứng với Stress
Mỗi tế bào trong cơ thể chúng ta đều có một tuổi thọ nhất định. Khi cơ thể bị Stress, những tế bào liên quan có khả năng tạo ra những chất đặc hiệu, có tác dụng bảo vệ chúng thoát khỏi sự kiểm soát của sự lão hóa, và sự chết đi của tế bào. Chất Genistein trong đậu nành đã giúp tạo ra các đáp ứng với Stress kiểu này trong tế bào.
Tác động chống phát triển mạch máu
Các bướu cần có sự cung cấp máu tốt để phát triển và có thể di căn khắp cơ thể. Nếu thiếu sự tân sinh mạch máu thì các bướu sẽ teo lại. Chất Genistein trong đậu nành có thể ức chế cả sự tân sinh mạch máu và những tế bào nội mô mạch máu.
Tác động lên hệ xương
Tình trạng loãng xương ở phụ nữ gấp 4 lần đàn ông, do liên quan đến nồng độ Estrogen trong máu giảm xuống sau khi hết kinh nguyệt, do kiêng ăn uống để giữ dáng cho đẹp, nên dễ đưa đến gãy xương và tàn phế. Một trong những phương pháp được chấp nhận để giảm nguy cơ loãng xương ở phụ nữ mãn kinh là dùng Estrogen thay thế, nhưng phương pháp dùng nội tiết thay thế này đòi hỏi phải được khám xét sức khỏe kỹ lưỡng, bởi vì không phải ai, không phải với tình trạng sức khỏe nào cũng sử dụng nội tiết được. Do đó sự quan tâm lớn là tìm ra một phương pháp khác để duy trì sức khỏe của xương cho đại đa số phụ nữ mãn kinh.
Xương muốn chắc khỏe phải nhờ Calcium, nhưng điều quan trọng không phải là lượng Calcium đưa vào cơ thể, mà là cơ thể có giữ được Calcium lại đủ để làm cho xương chắc khỏe không? Qua nghiên cứu, người ta thấy rằng những phụ nữ dùng nhiều đạm động vật sẽ gây mất Calcium qua nước tiểu, do đó sẽ có nguy cơ gãy xương nhiều hơn là những phụ nữ dùng Protein thực vật. Nghiên cứu cho thấy rằng dùng Protein đậu nành, đặc biệt là Isoflavones có thể có tác động tốt lên đậm độ khoáng trong xương ở những phụ nữ mãn kinh mà không dùng Ostrogen thay thế. Khi tuổi thọ phụ nữ ngày càng cao thì 1/3 thời gian sống là nằm trong tuổi mãn kinh, nên vấn đề bảo vệ đậm độ khoáng cho xương là rất quan trọng, tránh được tình trạng loãng xương, đưa đến giảm tỷ lệ gãy xương.
Đận nành và những triệu chứng mãn kinh
Trong thời kỳ mãn kinh, phụ nữ thường hay than phiền về những triệu chứng khó chịu như: đau nhức, cứng khớp, mệt mỏi, trầm cảm, rối loạn giấc ngủ, nóng bừng mặt, đổ mồ hôi ban đêm, lạnh, bứt rứt khó chịu, rối loạn tiêu hóa…
Qua so sánh triệu chứng thời kỳ mãn kinh ở phụ nữ 3 nước Nhật, Mỹ và Canada, người ta thấy rằng phụ nữ Nhật có tỉ lệ các triệu chứng khó chịu thấp nhất. Phải chăng do ở Nhật, đậu nành là thức ăn được dùng phổ biến?
Nghiên cứu cho thấy rằng dùng Protein đậu nành có Isoflavones 2 lần/ngày sẽ cải thiện các triệu chứng của thời kỳ mãn kinh. Dùng đậu nành có Isoflavones hoặc Casein sẽ làm giảm tỉ lệ triệu chứng đỏ bừng mặt ở phụ nữ mãn kinh.
Tóm lại: Hiệu quả của đậu nành trên các triệu chứng của thời kỳ mãn kinh bước đầu cho thấy kết quả tốt. Tuổi thọ phụ nữ ngày càng tăng (65 tuổi vào năm 1940, tăng lên 79,1 tuổi vào năm 1996) thì làm sao để sống khỏe mạnh, giảm bớt được nguy cơ bệnh tim mạch, ung thư và các triệu chứng thời kỳ mãn kinh là vấn đề quan trọng. Việc sử dụng đậu nành trong khẩu phần ăn của phụ nữ Á Đông từ hàng ngàn năm nay rõ ràng đã không thấy có một tác hại nào, nếu chưa muốn nói là cơ hội có lợi: Vì vậy khuyến khích dùng đậu nành trong khẩu phần ăn hàng ngày là hoàn toàn nên làm.
Những lưu ý khi sử dụng sữa đậu nành
Không phải ai cũng có thể hấp thu tốt sữa đậu nành. Theo y học cổ truyền, đậu nành có tính thiên hàn, hoạt lợi vì vậy những người tỳ vị hư hàn, sau ăn hay đày bụng, chướng hơi, ợ hơi, ợ chua, dễ bị đi ngoài, người có triệu chứng thận hư, di tinh, tiểu đêm nhiều…đều không hợp dùng, dễ làm cho các triệu chứng trên nặng lên.
Sữa đậu nành nhất định phải được đun sôi kỹ trước khi uống. Trong sữa đậu nành sống có chứa chất ức chế men Trypsin, saponin và một số chất không có lợi khác nên nếu uống sữa đậu nành sống hoặc không được đun sôi kỹ sẽ gây ra buồn nôn, nôn, đau bụng đi ngoài… thậm chí ngộ độc.
Không nên cho thêm đường đỏ khi uống sữa đậu nành.Trong đường đỏ có chứa nhiều các axit hữu cơ như axit lactic, axit acetic…có tác dụng kết hợp các chất protit, canxi tạo thành các hợp chất biến tính làm mất đi các chất dinh dưỡng của sữa đậu nành, đồng thời ảnh hưởng tới sự hấp thu và tiêu hóa của cơ thể.
Không nên đựng sữa đậu nành trong bình giữ nhiệt. Vi khuẩn rất dễ sinh trưởng, phát triển trong sữa đậu nành ở nhiệt độ ấm, sau 3 đến 4 giờ sữa đậu nành sẽ bị biến chất và không thể sử dụng được nữa.
Không nên đánh trứng cùng với sữa đậu nành. Nhiều người cho rằng đánh trứng vào sữa đậu nành hoặc uống sữa đậu nành cùng với trứng thì càng bổ, có thể tăng thêm chất dinh dưỡng. Thực tế hoàn toàn trái ngược, vì lòng trắng trứng bị kết hợp với men tripsin trong sữa đậu nành tạo thành một hợp chất kết tủa làm cơ thể khó hấp thu, hơn nữa chất này còn làm mất đi những chất dinh dưỡng của trứng và sữa đậu nành.
Không nên dùng sữa đậu nành thay thế sữa cho trẻ bú. Mặc dù hàm lượng chất dinh dưỡng trong sữa đậu nành cao nhưng vẫn không đủ cho nhu cầu phát triển của trẻ.
Không nên uống quá nhiều sữa đậu nành trong một lúc. Đối với người lớn, một lần không nên uống quá 500ml, nếu không dễ dẫn đến đau bụng, đi ngoài do các chất dinh dưỡng trong sữa đậu nành không được hấp thu hết ảnh hưởng không tốt đến tiêu hóa.
Không nên chỉ uống sữa đậu nành không. Nếu chỉ uống sữa đậu nành không thì các chất dinh dưỡng trong đậu nành khi vào cơ thể đều bị chuyển hóa thành nhiệt lượng mà tiêu thụ mất do đó không còn tác dụng bổ nữa. Vì vậy, khi uống sữa đậu nành nên ăn thêm một chút điểm tâm như: bánh ngọt, bánh mì, bánh bao…hay các sản phẩm chế phẩm của tinh bột. Tinh bột có tác dụng làm cho dịch vị được tiết ra khiến các chất dinh dưỡng trong sữa đậu nành được tiêu hóa, hấp thu hoàn toàn.
Không nên uống thuốc cùng với sữa đậu nành. Một số loại thuốc đặc biệt các thuốc kháng sinh như tetracycline, erythromycine có tác dụng phân hủy chất dinh dưỡng trong sữa đậu nành.
Sữa đậu nành nấu xong có thể dùng nóng hoặc để nguội, cho vào tủ lạnh, dùng chung với đường (hoặc không) đường tùy thích.
(ST)