CÁCH ÔN TẬP HIỆU QUẢ CHO SĨ TỬ MÙA THI
Các bạn học sinh đang vào mùa thi tuyển sinh đại học vô cùng căng thẳng. Ôn thi không có phương pháp khoa học không những làm ảnh hưởng đến sức khỏe mà kết quả đạt được cũng không được như ý muốn. Những cách ôn tập sau đây giúp não bộ trở nên linh hoạt hơn, cải thiện việc học tập của bạn.
1 . Phương pháp học tập tích cực
Thí sinh phải xác định động cơ học tập đúng đắn, tự giải đáp các câu hỏi như: " Học để làm gì? Học cho ai?" Nếu không có thái độ đúng đắn bạn sẽ không thể nỗ lực hết mình và vượt qua được mọi khó khăn.
Lạc quan tích cực: là yếu tố quan trọng giúp bạn thoải mái và dễ thành công hơn.
Có mục đích: Mỗi bạn học sẽ có mục đích riêng nhưng bạn không nên học vì điểm số, học vì bố mẹ bắt học như vậy sẽ khiến bạn cảm thấy áp lực và việc học trở nên cực nhọc hơn.
2. Có phương pháp học hiệu quả
a . Lên kế hoạch cụ thể và sắp xếp thời gian
Chúng ta không có đủ thời gian làm tất cả mọi việc nhưng luôn có đủ thời gian để làm những việc quan trọng nhất. Mỗi ngày bạn đừng tham lam làm hết tất cả mọi việc, ôn hết tất cả các môn mà hãy lập ra một bảng ưu tiên các môn và kế hoạch ôn từng ngày. Tuy nhiên nếu bạn học một môn liên tục quá 45 phút thì khả năng nhớ sẽ giảm rất nhanh trong thời gian đó.
b. Cách tư duy hiệu quả
Không phải từ nào trong sách cũng quan trọng và chứa đựng những thông tin mà bạn thật sự cần học. Bạn phải biết cách lọc ra những thông tin chính. Sau khi có thông tin chính hãy sắp xếp chúng thành sơ đồ tư duy.
c. Cách ghi nhớ hiệu quả
Hiện nay nhiều hệ thống giáo dục đang chú trọng vào tư duy và phân tích hơn học thuộc lòng. Tuy nhiên bạn chỉ có thể phân tích vấn đề tốt khi bạn tiếp thu và ghi nhớ những thông tin cốt lõi. Để ghi nhớ hiệu quả hãy thực hiện theo những cách sau:
– Ghi thành dàn bài: đọc toàn bài để nắm được nội dung sau đó tóm tắt thành một bài đại cương gồm nhiều mục
– Nhẩm lại nhiều lần
– Ghi ra giấy: Tránh ghi rườm rà. dư thừa mất thời gian vô ích lại phí sức; chỉ ghi tóm tắt những phần quan trọng sao cho khi mở ra bạn có hệ thống bài học mà không cần mở sách.
d. Cách học hiệu quả
Thí sinh nên cố gắng tập trung vào những kiến thức cơ bản. Khi học cần hiểu rõ bản chất của vấn đề, luyện tập để có kỹ năng giải quyết vấn đề hiệu quả. Khi ôn tập nên chú ý hai cách vận dụng là vân dụng theo mẫu và vận dụng một cách sáng tạo, linh hoạt. Sau khi học xong lý thuyết nên tự đặt ra những câu hỏi liên quan đến nội dung ông thi để kiểm tra trình độ của mình.
e. Về thời gian học
Thời điểm học rất quan trọng. Khả năng lao động trí óc của con người tăng dần từ sáng tới gần trưa sau đó giảm dần. Hiệu suất học buổi trưa còn cao hơn buổi sáng nhất là những môn khó học. Buổi chiều hơi giảm vào giờ ăn tối. Không nên thức sau 22h vì đầu óc làm việc dường như đã bão hòa. Sau khi học tập 45 phút hãy nghỉ ngơi thư giãn một chút.
f. Về không gian học
Hãy ngồi gần cửa sổ, càng tiếp xúc với ánh sáng tự nhiên và luồng không khí lưu thông đều trong phòng, bạn càng khỏe.
3. Đảm bảo sức khỏe khi ôn thi
– Ăn những loại thực phẩm tốt cho bộ nhớ; các loại trái cây và rau củ nhiều màu sắc giúp bảo vệ não bộ. Không được bỏ bữa nhất là bữa sáng vì nhịn ăn khi học khiến bạn mệt mỏi buồn ngủ, nên uống thêm 1 cốc sữa hoặc ăn nhẹ vào buổi đêm nếu bạn thức khuya
– Trong một buổi học, tránh học liên tục 3-4 giờ liền. Cũng giống như ở lớp, sau 45 phút – 1 giờ cần có giải lao. Những phút giải lao này có mục đích làm thư giãn thần kinh, trí óc. Nên đi đi, lại lại, giải trí bằng trò chơi nhẹ nhàng, vui vẻ, tránh vận động nhiều và mạnh.
– Ngủ nhiều hơn: Các nhà khoa học cho rằng chỉ nửa đêm mất ngủ cũng có thể làm hao mòn trí nhớ của bạn. Ngủ khoảng 8 tiếng một ngày, nhiều nhất là về đêm giúp não bộ thay đổi ký ức tạm thời chuyển sang lưu trữ lâu dài.
– Tăng cường tập thể dục: Việc tập thể dục mức độ vừa phải mang lại lợi ích tinh thần lớn, có thể làm tăng kích thước não bộ từ đó làm tăng dung tích bộ nhớ. Nên dành thời gian 20 phút mỗi ngày đi bộ. Chơi những trò chơi giúp rèn luyện não bộ giúp cải thiện trí nhớ và trì hoãn sự suy giảm não. Khi chơi những trò chơi đó chúng sẽ kích hoạt các khớp thần kinh trong hệ thống não bộ bao gồm cả khu vực bộ nhớ.
( ST)