CÁCH CHỮA NHIỆT MIỆNG HIỆU QUẢ NHẤT
1. Nguyên nhân gây nhiệt miệng
Có nhiều nguyên nhân gây bệnh như: áp lực tinh thần lớn, công việc căng thẳng stress khiến cho chức năng miễn dịch bị suy giảm; các rối loạn bài tiết bên trong, phụ nữ đang trong thời kỳ kinh nguyệt; dị ứng với thuốc hoặc thực phẩm… trong đó suy giảm miễn dịch được xem là nguyên nhân quan trọng dẫn đến nhiệt miệng.
– Do cảm phải nhiệt độc từ bên ngoài như nắng nóng… xâm nhập vào tỳ, vị. Hỏa độc, nhiệt độc bốc lên sinh lở loét, đau nóng rát, miệng hôi, khô miệng, lưỡi đỏ.
– Do ăn uống nhiều chất béo, cay, khó tiêu… nhiệt độc cộng với tân dịch (nước miếng) ở miệng, lâu ngày nung đốt niêm mạc miệng, lưỡi (gọi là thấp nhiệt) gây nên những vết loét, nứt nẻ, những đám nấm trắng ở miệng lưỡi.
– Các trường hợp suy giảm chức năng khử độc của gan, các chất độc tích tụ lại ở niêm mạc đường tiêu hóa (chủ yếu là niêm mạc miệng ) khi lượng chất độc đủ lớn tạo nên ổ hoại tử rồi vỡ ra tạo thành vết loét nhiệt miệng.
– Yếu tố nội tiết: Thể hiện khá rõ ở phụ nữ dễ bị nhiệt miệng trong thời kỳ sau đẻ, thời kỳ mãn kinh hoặc trong khi mang thai.
2. Phòng chống bệnh nhiệt miệng
Nguyên nhân chính của nhiệt miệng là do nóng trong người, ăn uống nhiều đồ cay nóng, vệ sinh răng miệng không được tốt hoặc do thiếu hụt protein trong chế độ ăn uống hằng ngày. Một số cách phòng chống nhiệt miệng:
– Tăng cường các loại thực phẩm bổ sung thêm protein và vitamin như C, B1, B2…
– Hạn chế hoặc nói không với các thực phẩm cay nóng ớt, hạt tiêu…
– Uống nhiều nước giúp thanh nhiệt, bài tiết độc, lương huyết tốt hơn
– Vệ sinh răng miệng thường xuyên, xúc miệng nước muối giúp sát khuẩn và làm sạch vùng miệng
3. Cách chữa nhiệt miệng
Để ngăn ngừa chứng lở miệng, nên ăn uống đầy đủ dinh dưỡng, đặc biệt là các vitamin và khoáng chất.
Một số cách chữa nhiệt miệng tại nhà hiệu quả:
– Nước cốt dừa chữa nhiệt miệng: Nghiền nát vài mảnh cùi dừa, sau đó ép lấy nước và dùng để súc miệng khoảng 3 đến 4 lần mỗi ngày.
– Ngậm chất chát trong miệng: chất chát có tính sát trùng và làm săn da. Tốt nhất là ngậm nước trà tươi, trà đen đặc, quả sung, rau dấp cá, húng chanh (tần dày lá), vỏ xoài… có tác dụng kháng khuẩn, kháng virus, làm săn da, trừ thấp nhiệt ở bộ tiêu hóa, khử mùi hôi.
– Uống nước khế chua: Khế tươi 2 – 3 quả, giã nát, đổ ngập nước sôi vào đun sôi một lúc, chờ khi thuốc nguội thì ngậm và nuốt dần, ngậm nhiều lần trong ngày. Lựa loại khế chua, giúp sinh tân dịch nhiều hơn, thanh nhiệt cũng tốt hơn khế ngọt.
– Lá rau ngót: Rửa sạch, chỉ lấy lá, giã nát, ép lấy nước cốt, hòa với ít mật ong. Dùng bông thấm thuốc bôi vào chỗ sưng đau, lở loét. Ngày bôi 2 – 3 lần. Có tác dụng giống như cỏ nhọ nồi. Theo Đông y, lá và rễ đều có tác dụng mát huyết, hoạt huyết, lợi tiểu, giải độc.
– Lục nhất tán: hoạt thạch 6 phần, cam thảo 1 phần, trộn với mật ong cho sền sệt, dùng bông thấm thuốc bôi vào chỗ sưng đau, lở loét. Ngày bôi 2 – 3 lần.
Bài thuốc này dùng cho trẻ nhỏ rất thích hợp. Hoạt thạch thanh nhiệt, tả hỏa; cam thảo giải nhiệt độc; 2 vị này phối hợp, là bài thuốc Đông y thường dùng để trị các chứng thử nhiệt (nắng nóng vào mừa hè) gây miệng lưỡi viêm, loét, họng đau… Kết hợp với mật ong, càng tăng tác dụng sát trùng, giải độc, tiêu viêm.
– Cà chua: Cà chua là loại quả có tính bình, vị chua, hơi ngọt, có tác dụng thanh nhiệt, giải độc nên nhai cà chua sống là cách làm rất công hiệu để chữa nhiệt miệng. Hoặc bạn cũng có thể ngậm nước ép cà chua mỗi ngày khoảng 3 – 4 lần, sẽ có tác dụng rất tốt.
– Vỏ dưa hấu: Dưa hấu chữa hôi miệng và nhiệt miệng hiệu quả. Vỏ dưa hấu có tính hàn, thường để điều trị các bệnh nóng trong, có tác dụng thanh nhiệt giải độc nên có thể dùng vỏ dưa hấu để chữa nhiệt miệng, lở miệng. Lấy 50g vỏ dưa hấu đem sao vàng, tán thành bột, trộn cùng một ít mật ong và bôi vào chỗ lở 1-2 lần/ ngày.
– Củ cải trắng: Giã củ cải sống 300g rồi vắt lấy nước hòa thêm một ít nước lọc, súc miệng ngày 3 lần, dùng 2 ngày khỏi.
Thuốc điều trị nhiệt miệng:
– Thuốc bôi tạo màng ngăn, bôi trực tiếp lên vết loét như: Orabase, kết hợp triamcinolone.
– Thuốc giảm đau, giảm viêm tại chỗ: nước súc miệng lidocain pha loãng, amlexanox, Benzydamine hydrochloride;
– Thuốc sát khuẩn tại chỗ: Doxycycline, tetracycline, minocycline.
– Thuốc chống viêm tại chỗ: Corticoid (Hydrocortison sodium succinat, Beclomethason, dipropionat aerosol, fluocinonid, clobetasol,betamethason sodium phosphate, dexamethasone).
– Thuốc kháng virus corticoid nếu do nguyên nhân virus. (Chú ý không dùng trong trường hợp nhiệt miệng do virus, vi khuẩn).
(ST)