CÁCH TRỊ BIẾNG ĂN CHO TRẺ EM HIỆU QUẢ
Biếng ăn gây thiếu nhiều chất dinh dưỡng dẫn đến hậu quả bị suy dinh dưỡng hoặc thiếu hụt các vi chất như khô mắt, thiếu máu…và càng làm cho trẻ biếng ăn hơn, suy dinh dưỡng nặng hơn. Để khắc phục tình trạng này cachlam.org hướng dẫn bạn một số cách trị biếng ăn hiệu quả.
1. Tạo cảm hứng để bé ăn nhiều hơn
Bạn càng ép, trẻ càng chống đối và không muốn ăn gây biếng ăn. Bạn hãy để trẻ cảm thấy thoải mái thay vì bắt trẻ phải ăn một loại đồ ăn nào đó vì chúng bổ dưỡng hay đắt tiền và bạn cảm thấy rất tiếc nếu trẻ không ăn; hãy đơn giản là cho trẻ lựa chọn vài loại đồ ăn trong một bữa, và để trẻ tự ăn. Bạn chỉ nên hướng dẫn trẻ cách ăn mà thôi. Bạn có thể làm gương cho trẻ trong việc ăn uống. Bạn hãy ăn món đó một cách thật ngon miệng bé sẽ tò mò mà đòi ăn thử đấy.
Mọi trẻ em đều thích được khen. Muốn bé thử một loại đồ ăn mới hãy khen ngợi bé nhiệt tình và vui vẻ. Với cách này, bạn đã ngầm gửi một thông điệp tới bé rằng khi bé ăn thì mẹ sẽ vui và bé sẽ được khen. Lần sau muốn được khen bé lại sẽ thử những đồ ăn mới mà bạn đưa cho.
Hãy khiến bé hứng thú hơn với bữa ăn hàng ngày ở nhà khi bạn cho phép bé lựa chọn đĩa, bát ăn hay cốc uống nước. Bé sẽ mong đến bữa ăn để được tự mình lựa chọn xem hôm nay mình sẽ ăn bát có hình con thỏ hay con hổ? Màu đỏ hay màu xanh?
Hãy để bé ăn cùng bàn với mọi người trong gia đình và khuyến khích bé tự ăn. Cách này không những tập cho bé tính tự lập mà còn trao cho bé cơ hội tự lựa chọn đồ ăn mà bé thích nữa.
2. Hoàn thiện dinh dưỡng cho trẻ
Chỉ nên gợi ý cho bé ăn khi nó đã đói. Trẻ em thường chối bỏ thức ăn chẳng qua vì chúng chưa kịp đói. Hãy đợi để tự bé phải nhắc đến bữa ăn.
Hãy giảm những bữa ăn: Mỗi trẻ 3 tuổi không thực sự cần đến 5 bữa mỗi ngày . Giữa các bữa bạn hãy cho bé ăn một quả chuối hay một miếng đu đủ không nên cho trẻ ăn cháo hay cơm
Hãy giảm khẩu phần ăn của bé và quan tâm đến tính đa dạng của các món ăn. Nếu ngày nào bạn cũng dọn cho bé một món không những khiến trẻ chán, không muốn ăn mà còn không cung cấp đầy đủ chất dinh dưỡng cho trẻ. Cố gắng trình bày món ăn thật màu sắc và bắt mắt.
Hãy để bé tự chọn đồ ăn và chấp nhận một số sở thích trái khoáy của bé. Đừng ép bé ăn cái mà bé không thích nếu bé sợ rau hãy cho bé ăn thêm trái cây. Bạn đừng giấu những thứ bé không thích vào các món ăn vì chắc chắn bé sẽ phát hiện ra và không chịu ăn nữa.
Cần chú trọng bồi dưỡng bằng các loại thức ăn giàu dinh dưỡng giúp trẻ nhanh bắt kịp tăng trưởng:
– Các loại thực phẩm giàu chất đạm
Sữa. Tốt nhất là trẻ được bú sữa mẹ. Những trẻ >6 tháng cần tăng cường thêm những chế phẩm từ sữa như fomat mềm giàu canxi và năng lượng
Trứng: là thức ăn bổ, tốt cho trẻ em, trong trứng có nhiều chất đạm, chất béo, muối khoáng và các loại vitamin. Chất đạm của trứng có đầy đủ các acid amin cần thiết ở tỷ lệ cân đối do đó trẻ dễ hấp thu. Lòng đỏ trứng về giá trị dinh dưỡng có nhiếu chất đạm, chất béo, vitamin và muối khoáng nên lòng đỏ tốt hơn lòng trắng do vậy trẻ dưới 1 tuổi chỉ nên ăn lòng đỏ. Lòng trắng trứng thành phần chủ yếu là đạm nên cho trẻ trên 1 tuổi ăn cả quả trứng.
Thịt là thực phẩm dinh dưỡng cao (thịt gà – 22, 4% đạm, thịt bò – 21%, thịt nạc thăn – 19% đạm, khi trẻ trên 1 tuổi có thể dùng thịt nạc vai, thịt mông sấn để tăng thêm năng lượng cho trẻ.
Cá tôm cua cũng rất nên tăng cường cho trẻ ăn vì chúng chứa nhiều chất đạm lại dễ tiêu hoá hơn đạm thịt. Ngoài ra còn chứa nhiều can xi, phốt pho giúp trẻ không bị còi xương (chú ý trẻ khoảng từ 7 tháng tuổi có thể ăn được các loại thực phẩm này nhưng phải tập ăn sau đạm trứng, thịt và tập dần từ ít đến nhiều).
Đậu tương, đậu xanh, lạc là thực phẩm thực vật cung cấp chất đạm, béo
Các loại thực phẩm giàu chất béo
Cần đảm bảo ăn đủ lượng dầu, mỡ cho trẻ để đảm bảo đủ nhu cầu năng lượng theo lứa tuổi của trẻ. Nên cho trẻ ăn cả dầu thực vật lẫn mỡ động vật đặc biệt là mỡ gà vì có chứa tới 18% acid béo chưa no rất tốt cho sự hấp thu của trẻ, bên cạnh đó còn có chứa những acid béo no cần cho chuyển hoá của trẻ.
Các thực phẩm giàu glucid
Gạo, mì: Với lượng lớn trong khẩu phần ăn đóng vai trò quan trọng trong cung cấp năng lượng. Ngoài ra cần chú ý cho trẻ uống đủ nước, ăn đủ rau, hoa quả tươi để cung cấp đủ các vitamin, chất xơ và các yếu tố vi lượng.
(ST)